#Zero To #Hero – Strategy & November Wrap Up

Dự án #Zero To #Hero đã diễn ra được 6 tuần rồi, nhưng giờ mình mới nhớ ra mình chưa có một bài viết cụ thể nào nói về chiến lược tổng thể mà mình sử dụng cho dự án này. Thiếu sót thiếu sót :d

Đó là lý do tuần này mình sẽ viết về chiến lược – cụ thể là chiến lược giúp bạn grow một e-Commerce Brand (theo style của mình). Nhưng trước khi đi vào chi tiết bài viết, hãy cùng tổng kết qua kết quả của dự án #Zero To #Hero trong tháng 11 chút nhỉ :3

Danh sách các bài viết trong Series này:

#Zero To #Hero – T11/2022

Dưới đây là kết quả của tháng 11/2022:

  • Revenue: $9.38k. Tính từ ngày đầu tiên bắt đầu chạy Ads là 10/11 thì trung bình một ngày doanh số là $469.
  • Facebook Ads Cost: $5.74k. Trung bình một ngày spent $287.
  • ROAS: 1.64.
  • Gross Profit (Chưa tính Operation Cost): -$1.03k
  • Net Profit: -$3.99k

ROAS 1.64 – về cơ bản mình thấy là chấp nhận được. Chủ yếu phần lỗ này đến từ thời điểm 10/11 – 18/11 – khi mình mới bắt đầu chạy Ads và đang trong quá trình tối ưu Ads và Product Page.

Chỉ số trong thời gian 10/11 – 18/11

Khoảng thời gian từ 19/11 – 30/11, chỉ số đã đẹp lên khá nhiều sau khi tối ưu. Cụ thể:

Chỉ số trong thời gian 19/11 – 30/11

Thực tế thì tháng 12, số liệu còn đẹp hơn như thế này và thực tế là đã đến giai đoạn có lãi. Chi tiết mình sẽ nói ở dưới sau.

Điều đáng nói tiếp theo, đó là Operation Cost. Nhiều anh em chắc sẽ hơi…hoảng khi nhìn thấy chi phí cố định lên tới gần $3k trong tháng đầu tiên. Tuy nhiên, thực tế thì con số này đến từ một mistake của mình, mà mình nghĩ đây cũng sẽ là bài học cho anh em khi mới khởi nghiệp với e-Commerce Brand.

Cụ thể, đây là Breakdown chi phí Operating Cost theo Category:

Như bạn có thể thấy, tổng chi phí Operating Cost là $2.8k – trong đó chỉ riêng chi phí làm sản phẩm đã là $2.2k rồi. Lý do là vì mình đã order quá nhiều sản phẩm – nhiều hơn rất nhiều so với mức cần thiết.

Cụ thể, mình đã order 140 sản phẩm từ Magikal Studio (Product Agency của bên mình), chi phí trung bình khoảng ~$16.2/sản phẩm. Tuy nhiên, trong thực tế, mình mới chỉ chạy Ads cho chưa tới 30 sản phẩm.

Nhiều sản phẩm thì cũng tốt, nhưng không nhất thiết bạn phải làm vậy ở giai đoạn start. Việc order sản phẩm nhiều hơn mức cần thiết sẽ gây ra một số hệ quả sau:

  • Tốn chi phí. Nếu thay vì order 140 sản phẩm, mình chỉ order 30 sản phẩm, mình sẽ chỉ tốn $486 thay vì $2,286 (tiết kiệm được $1.8k). Sau này, khi đã chạy Ads và có data, mình có thể có thêm data về nhu cầu của khách hàng để order thêm cho những sản phẩm sau này, ví dụ 10 sản phẩm mới/tháng chẳng hạn.
  • Chi phí sản phẩm mẫu. Mình dự kiến sẽ order tất cả sản phẩm về để làm Media cũng như quay Video thực tế của sản phẩm, từ đó upload lên Product Page để tăng độ Trust cho Brand.

    Tuy nhiên, với 140 sản phẩm, chi phí order sản phẩm mẫu của mình cao hơn dự kiến rất nhiều, và buộc mình phải dàn đều ra nhiều tháng. Nếu con số là 30 sản phẩm thì sẽ đơn giản hơn rất nhiều – kể cả chi phí sản phẩm mẫu lẫn chi phí làm Media.
  • Khó chăm chút cho từng sản phẩm. Tất nhiên là với 140 sản phẩm thì bạn sẽ khó mà chăm chút kỹ cho từng sản phẩm hơn là với 30 sản phẩm – kể cả về mặt hình ảnh, video. Thậm chí, nếu là 30 sản phẩm, bạn có thể customized Description cho từng design được luôn, nhưng với 140 sản phẩm thì hơi nhiều việc :d

Ngoài ra, ở chi phí Shopify App ($365), mình cũng đang xài…hơi sang so với thực tế một Newbie nên dùng. Cụ thể mình đang xài những App sau:

  • Judge.me – $15/tháng: App về Customer Review. Lúc đầu có thể không dùng cũng được, có những cách khác có thể tăng Trust tốt hơn là Judge.me trong giai đoạn đầu.
  • Customily – $49/tháng + Variable Fee: App về Personalized. Trên thị trường có vài App khác nhau, nhưng bọn mình quen dùng Customily rồi nên vẫn dùng. Cũng hơi đắt chút nhưng đáng tiền.
  • Elevar Tag Management – $50/tháng: App về Tag Manager – quản lý các loại Pixel, Tracking Code các kiểu. Mình quen dùng từ xưa rồi nên vẫn dùng, chứ thực ra Newbie có thể kiếm một cái App rẻ hơn nhiều (chắc khoảng $10, thậm chí tiết kiệm thì xài tính năng có sẵn của Shopify) để cài đặt Facebook Pixel.
  • Klaviyo – $20/tháng: App về Email Marketing. Siêu đáng tiền, siêu xịn và không thể bỏ được =))
  • Wheelio – $15/tháng: App về Pop Up để lấy Email. Thực tế bạn có thể xài luôn Form có sẵn của Klaviyo – rất ngon và đẹp. Mình đợt đầu muốn test thử style Wheelio xem CR như nào nên xài thôi.
  • Recomatic – $45/tháng: App về Recommendation sản phẩm. Thực tế nếu bạn chỉ có 30 sản phẩm thì khỏi cần App này làm gì cho mệt, và thực ra cũng có một vài App có giá thành nhẹ nhàng hơn. Mình quen rồi nên dùng thôi.
  • Boost Product Filter & Search – $69/tháng: App về Search, Filter & Collection Page. Cũng tương tự Recomatic – nếu bạn chỉ có 30 sản phẩm thì khỏi cần App Filter làm gì. Ngoài ra, Boost cũng charge mình mức phí khá đắt do mình đang build trên nền tảng Shopify Plus (bùn)
  • Core Web Vitals Booster – $9/tháng: Tối ưu speed website – là một cái app khá hay mà mình rất thích dùng để quản lý mấy cái Script trên store – cho nó load sau để tăng tốc độ load. Cũng khá dễ xài, khá recommend.
  • Awesome Facebook Product Feed – $14/tháng: Dùng để tạo Facebook Feed – nếu bạn không/chưa chạy Product Catalog thì có thể cũng chưa cần. Mình thì cứ setup hết từ đầu nên thôi cài luôn.
  • Matrixify – $20/tháng: Để export Shopify data ra làm Dashboard cho các bạn xem, chứ bình thường thì cũng khỏi cần.
  • Kiwi Size Chart – $12/tháng: Để làm Size Chart nhìn cho đẹp đẹp. Cơ mà mình chọn nhầm Plan, thực tế khoảng $6/tháng thôi.
  • Post Purchase NPS Survey – $10/tháng: Để làm Post Purchase Survey cho khách hàng – cực kỳ recommend anh em nên dùng để thu thập thêm Insight của khách, từ đó tối ưu Store được chuẩn và dễ dàng hơn.
  • Synctrack – $7/tháng: Để Sync Tracking lên Paypal và Stripe. Hàng Việt Nam chất lượng cao, nên ủng hộ.
  • TrackingMore – $6.3/tháng: App quản lý tracking, cực kỳ recommend anh em nên xài để quản lý Tracking, cũng như bắn được Event của Track lên Klaviyo (mình sẽ làm một bài chi tiết về cái này sau). Đăng ký đợt Black Friday nên được giảm 30%.

Ngoài ra, ở dự án này mình đang set mức giá Shopify Plan ở mức $79/tháng, nhưng thực tế anh em cũng có thể bắt đầu ở mức $29/tháng, sau đó upgrade sau nếu có nhu cầu/bắt đầu phát sinh doanh thu.

Nói cách khác, nếu xài tiết kiệm hơn, “Newbie hơn”, thay vì $365, bạn sẽ chỉ tốn $150/tháng thôi – bao gồm tất cả các App bạn cần dùng và cả chi phí Shopify Plan nữa.

Về Shopify Variable Fee – đây là những biến phí mà Shopify thu – ví dụ như Shopify Transaction Fee. Với con số $133 kia – hầu hết là do Customily charge của mình, con số này sẽ tăng theo Order (nên mới gọi là biến phí), nên mình chấp nhận nó và add vào giá bán cho khách thôi.

Với chi phí Tool $59 – mình đang sử dụng Jasper.ai – công cụ làm Content bằng AI siêu xịn và rẻ mà mình khuyên tất cả mọi người nên dùng (Highly Recommend lắm, thật). Nếu bạn chưa đọc bài mình viết về Jasper thì mời đọc bài này.

Túm váy lại, nếu bạn xài tiết kiệm, không order sản phẩm quá nhiều, không xài sang, thì bạn có thể giảm chi phí Operating cho tháng đầu tiên từ $2,836 xuống chỉ còn $821 (trong đó $486 là chi phí cho sản phẩm). Như vậy, tháng đầu sẽ chỉ dừng ở mức lỗ -$1.8k thôi chứ ko phải -$3.8k như hiện tại.

Một Report khác mà anh em sẽ quan tâm, đó là tỷ lệ chi phí trên store mình hiện tại:

Tổng kết chi phí tháng 11/2022

Nếu bạn để ý, bạn sẽ thấy chi phí Base Cost của store đã tăng so với con số mình report ở bài viết Update Week 4. Con số hồi đó là 42%, và hiện tại là 45.59%.

Lý do là vì hồi đó mình quên mất là chi phí Base Cost của mình thực tế sẽ rẻ hơn so với chi phí của một Newbie có thể làm được (do bọn mình tự control phần Fulfillment từ A-Z, chứ không qua Agency ngoài) – đó là lý do mình đã tăng chi phí Base Cost lên tương ứng với chi phí mà bạn có thể Fulfill ở ngoài, để Case Study nhìn hạp lý hơn với Newbie :3

Với số liệu này, kết hợp với Post Purchase Survey mình cũng chưa thấy khách nào chê đắt, có khả năng mình sẽ tăng giá lên $1 – $2 nữa để xem kết quả ra sao :3

Anyway, bật mí một chút về số liệu tuần vừa qua (Week 6) – số liệu khá là đẹp – một phần cũng do đang mùa sales nữa nên ROAS nhìn cũng mượt hơn.

Hi vọng là ROAS vẫn ổn định được ở mức này đến hết tháng 12. Tháng 12 dự kiến mình sẽ spend khoảng $10k, kỳ vọng ra được $25k là đẹp.

e-Commerce Brand Foundation Strategy

Bàn chuyện tháng cũ thế là đủ rồi, giờ quay trở lại câu chuyện chiến lược.

Hôm trước mình mới ngồi nói chuyện với một cậu em, và mình nhận ra một Insight mà có thể có ở trong đầu rất nhiều anh em khác – đó là mọi người hầu hết đều chưa hình dung được việc xây dựng một e-Commerce Brand – cụ thể là làm những cái gì, có những giai đoạn nào, v.v…

Với cá nhân mình, mình chia việc xây dựng e-Commerce Brand ra làm 3 giai đoạn chính:

  • Stage 1 – Foundation
  • Stage 2 – Breakeven
  • Stage 3 – Growth Circle

Stage 1 – Foundation

Giai đoạn đầu tiên trong hành trình xây dựng e-Commerce Brand, đó là xây dựng nền tảng – Foundation. Giai đoạn này bao gồm những công việc sau:

  • Lựa chọn sản phẩm
  • Lựa chọn thị trường
  • Setup Shopify Store – Domain, Setting, Theme, App, v.v…
  • Setup Email Funnel
  • Setup Payment Gates
  • Setup Ads Account, Pages, v.v…
  • Xây dựng sản phẩm (Ideas & Design)

Khá là nhiều việc, nhưng sẽ là những việc có quy trình hết – không quá khó để làm.

Ở giai đoạn này, mục tiêu của chúng ta là xây dựng được một Store tử tế nhất có thể, cùng một Email Funnel đủ dùng, cũng như hoàn thành các công tác chuẩn bị về sản phẩm, payment gates, ads account, v.v…để có thể sẵn sàng đổ Paid Traffic về store.

Thông thường, anh em hay có khái niệm “test” sản phẩm, “test” niche trước khi đầu tư nhiều thời gian công sức hơn vào việc xây dựng một store tử tế. Một store test của hầu hết mọi người đều chỉ dừng ở mức cơ bản, up sản phẩm lên, sau đó chạy Ads luôn. Nếu bán ngon thì sẽ đầu tư làm tử tế tiếp, nếu không thì đổi hướng.

Cá nhân mình thì không nghĩ đó là một phương án hay – đặc biệt là trong hoàn cảnh mọi thứ cạnh tranh như hiện tại, vì vài lý do:

1. Bạn không cần test Niche/Sản phẩm nữa. Ngày xưa, khi thị trường POD còn sơ khai, người ta không biết được Niche nào bán tốt, Niche nào không – nên mới cần testing xem thị trường nào phù hợp với ngành POD.

Nhưng sau gần 9 năm phát triển, Niche nào bán được thì mọi người đều chạy hết cả rồi, và chẳng việc gì bạn phải Test lại những Niche đó làm gì cả. Nếu bạn làm Store cho Niche đó mà không bán được, đó là do bạn làm không tốt, chứ không phải do Niche đó không bán được (tất nhiên khi chọn Niche bạn nên chọn Niche đã có lịch sử bán được POD rồi)

Với sản phẩm cũng tương tự – cá nhân mình recommend bạn nếu mới làm, hãy cứ chọn những sản phẩm POD thông dụng (né T-shirt, Mug ra là được, mấy đồ dễ làm – khó cạnh tranh).

Những sản phẩm này vốn đã có thị trường rất lớn, nhu cầu là Evergreen, nên việc bán được hay không chỉ còn do cách Marketing của bạn có đánh trúng được vào Insight của khách hàng hay không mà thôi.

Việc Test sản phẩm chỉ cần thiết nếu bạn muốn làm một sản phẩm mới hẳn, chưa từng có ai làm POD trước đó, mà việc này thì sẽ yêu cầu nhiều thứ hơn – mà chưa chắc đã tăng khả năng bán được của bạn, nên mình không recommend bạn làm nếu bạn không có năng lực lõi về R&D và Fulfillment.

Cứ sản phẩm thông dụng mà phang, tập trung vào một Audience cụ thể là được.

2. Qua rồi cái thời store vớ vẩn cũng bán được. Vào hồi 2014 – 2017, một e-Commerce store không cần phải quá fancy – thậm chí nhìn rất Spam cũng có thể bán được bình thường, thậm chí bán tốt.

Lúc này, việc chọn ra một sản phẩm tiềm năng sẽ quan trọng hơn, vì nó dễ làm hơn :)) Thị trường lúc này vẫn còn khá mới, chỉ cần chọn ra một sản phẩm tốt, chưa ai POD là có thể bán được rồi – vậy nên mới sinh ra khái niệm test sản phẩm, test thị trường.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, người dân nước Mỹ đã được anh em Đông Lào training rất kỹ về bài học khi mua hàng Online (thiếu mỗi chuyển về thanh toán COD). Vì vậy, một store nhìn spam, thông tin thừa thiếu chắp vá, thậm chí viết sai chính tả thì sẽ rất khó để tạo sự tin tưởng lên khách hàng.

Mà Trust thấp đồng nghĩa với Conversion Rate thấp, vậy thôi.

Đó là lý do, thay vì bạn làm ra 10 cái Store vớ vẩn để test, mỗi store test 10 – 20 camp và cầu may – mình khuyên bạn nên tập trung toàn bộ nguồn lực cũng như thời gian (Ít nhất 3 tháng) để làm MỘT store cho thật xịn, thật tử tế. Nó sẽ giúp tăng khả năng thành công của bạn lên rất là nhiều.

Đó cũng là lý do giai đoạn Foundation này là giai đoạn quan trọng nhất trong toàn bộ 3 Stage. Giai đoạn này làm vớ vẩn thì mấy giai đoạn sau toang hết.

Stage 2 – Breakeven

Sau khi đã xây dựng Foundation tốt, xịn sò, có một Store nhìn uy tín, cung cấp đầy đủ thông tin cũng như tạo được uy tín tốt trong mắt khách, có một Email Funnel tử tế, chúng ta sẽ bắt đầu đổ Paid Traffic vào store.

Mục tiêu của giai đoạn này, đó là đạt điểm hoà vốn (Gross Profit).

Nếu bạn có thể chạy Ads hoà vốn, đồng nghĩa với việc bạn đang mua được rất nhiều Data MIỄN PHÍ.

Tuy nhiên, với một Store mới toe – mọi thứ đều mới (Domain mới, Pixel mới, v.v…), việc đạt điểm hoà vốn này sẽ khó hơn bạn tưởng – đặc biệt là khi store của bạn chưa tối ưu.

Khi mới bắt đầu đổ Paid Traffic vào store, bạn sẽ gặp một vài vấn đề sau đây:

1. CPC cao. Điều này xảy ra khi Fanpage của bạn còn mới, Domain lẫn Pixel của bạn đều mới toe. Bạn cũng chưa tìm ra được sản phẩm/Creative có CTR (Click Through Rate) cao, dẫn đến CPC Cao.

Đây là lúc bạn cần tập trung vào việc tối ưu Ads – tức tìm mọi cách để giảm CPC xuống. Có thể là làm thêm Creative, mông má lại hình ảnh sao cho xịn sò, test các loại layout khác nhau, v.v…để tăng CTR, từ đó giảm CPC.

Bạn cũng cần chăm sóc Fanpage kỹ, có thể đẩy một ít Boost Post cho Fanpage để lấy tương tác, từ đó giảm CPM xuống.

Túm váy lại là phải giảm CPC, xuống bao nhiêu thì cũng tuỳ sản phẩm, nhưng về cơ bản xuống <$0.7 là đẹp nhất.

2. CR thấp. Điều này xảy ra khi store của bạn chưa tối ưu tốt – không phải là do bạn chuẩn bị không kỹ ở giai đoạn Foundation. Chỉ đơn giản là khi bạn mới làm, bạn chưa thể hiểu được hết khách hàng – bạn không biết được họ sẽ lấn cấn những vấn đề gì, họ quan tâm đến cái gì, lý do họ mua hàng là gì, v.v…

Nên khi bắt đầu có Traffic, bạn sẽ nhìn được các chỉ số trên Store như tỷ lệ Add To Cart, tỷ lệ Checkout, tỷ lệ Purchase – từ đó xem xem khâu nào cần để ý để tối ưu lại.

Bạn cũng sẽ có thể bắt đầu thu thập Survey từ khách hàng, để từ đó biết được họ đang gặp vấn đề gì, cũng như lý do họ mua hàng – để từ đó cập nhật lại nội dung Product Page, update lại Headline, v.v…

Tất cả những điều này cần được tối ưu liên tục, cho tới khi bạn vượt qua giai đoạn 2 – tức đạt điểm hoà vốn. Nói là liên tục, chứ thực ra cũng nên làm 3 – 4 ngày một lần thôi – và duy trì Ad Spent ở mức thấp – tầm $50 – $70/ngày là đủ nếu chỉ số của bạn quá xấu. Khi chỉ số bắt đầu đẹp lên, bạn có thể tăng tiền dần để có thêm Data, từ đó tăng tốc độ tối ưu.

Giai đoạn 2 sẽ kết thúc khi bạn duy trì được mức Spent khoảng $7.5k/tháng (tức $250/day) với Gross Profit hoà vốn.

Stage 3 – Growth Circle

Khi đạt được giai đoạn 3 – đây là lúc bạn có thể vứt Ads qua một bên – mặc kệ cho nó chạy và dành thời gian làm những việc có ích hơn cho đời.

Ở giai đoạn này, bạn sẽ cần hiểu được 2 khái niệm: Paid Traffic và Non-Paid Traffic.

Paid Traffic thì quá dễ hiểu rồi – nó là những Traffic mà bạn bỏ tiền ra để mua. Nếu bạn chạy Facebook Ads – những Traffic mà khách hàng click vào quảng cáo của bạn gọi là Paid Traffic.

Non-Paid Traffic thì ngược lại – đây là những Traffic mà bạn KHÔNG bỏ tiền ra mua. Tuy nhiên, nó có thể là những Traffic gián tiếp đến từ Paid Traffic, hoặc là Traffic mới tinh – tuỳ vào cách bạn làm.

Ví dụ, khi bạn chạy Facebook Ads – sẽ có nhiều khách hàng share bài viết của bạn lên Feed, share cho người thân qua Messenger, v.v…và những người thấy link đó sẽ mua sản phẩm của bạn. Trên Google Analytic – những Traffic dạng này được gắn nhãn là “Organic Social” – tuy nhiên, đây vẫn là những Traffic đi theo Paid Traffic – tức có Paid Traffic mới có những Traffic này.

Một ví dụ khác xa hơn, đó là doanh số từ Email Marketing. Đây là những Traffic mà bạn không bỏ tiền ra mua – chỉ trả tiền chi phí Platform cho Klaviyo thôi. Tuy nhiên, nếu không có Paid Traffic đầu vào, bạn sẽ không có Email để mà gửi. Vì vậy, chúng ta cần Paid Traffic để có thể có những Non-Paid Traffic này.

Đó là lý do mà bạn cần Stage 2 :))

Cũng có một vài Non-Paid Traffic Source khác mà bạn không cần Paid Traffic – ví dụ như SEO, Viral Marketing trên Social Media, v.v…nhưng những loại Traffic Source này khá là khó làm, đặc biệt là với Store mới – cũng như Newbie. Vì vậy trong khuôn khổ chiến lược lần này, mình sẽ chỉ nói đến dạng Non-Paid Traffic đến từ Paid Traffic thôi nhé.

Hãy hình dung Gross Profit Margin của bạn là 50% và bạn đang đạt điểm hoà vốn. Tháng trước bạn chạy $10k Ads ra $20k Revenue chẳng hạn.

Tháng này, bạn bắt đầu tập trung vào làm các công tác liên quan đến Branding, Email Marketing, Social Media, v.v…từ đó bạn tăng được doanh số từ Non-Paid Traffic lên $5k – chiếm 20% tổng doanh số (lúc này là $25k). Lưu ý, việc này không khó và hoàn toàn khả thi – kể cả với người mới.

Như vậy, tháng này, bạn vẫn bỏ ra $10k tiền Ads, nhưng thu về được $25k. Lợi nhuận lúc này là $25k * 50% – $10k = $2.5k Gross Profit. ROAS tổng lúc này là 25/10 = 2.5

Tháng sau, bạn tăng ngân sách quảng cáo lên 12.5k – vì bạn tăng ngân sách khá chậm rãi (25% sau 1 tháng), việc giữ nguyên được ROAS là hoàn toàn khả thi. Ví dụ ROAS vẫn là 2.0 – với $12.5k Ads, bạn thu về được $25k Revenue, cộng thêm $5k đến từ Non-Paid Traffic – tổng cộng là $30k.

Lúc này, tỷ lệ Non-Paid Traffic Revenue là 5/30 = 16.67% – giảm đi so với con số 20% ban đầu. ROAS tổng lúc này là 30/12.5 = 2.4 (giảm chút so với tháng trước). Dù vẫn có lãi, nhưng bạn quyết định sẽ giữ nguyên ngân sách tháng, và tập trung tiếp tục tối ưu Non-Paid Traffic để gia tăng doanh số từ những Traffic này.

Sau 1 tháng, bạn tăng được doanh số từ Non-Paid Traffic lên $6.5k. Lúc này, bạn vẫn bỏ ra $12.5k tiền Ads, thu về được $25k + $6.5k = $31.5k.

Tỷ lệ Non-Paid Traffic Revenue lúc này đạt 20.63% (31.5/6.5), lợi nhuận là $3.25k, ROAS tổng là 2.52.

Lúc này, bạn lại quyết định tăng ngân sách thêm 25% nữa, lên $15.6k. Và bạn lại tiếp tục tối ưu Non-Paid Traffic. Và lại tăng ngân sách khi tỷ lệ Non-Paid Traffic về 20%.

Cứ thế, cứ thế.

Mình gọi đây là Growth Circle.

Hãy để ý LÝ DO bạn tăng ngân sách. Không phải vì bạn tìm ra được sản phẩm Win nên bạn quyết định tăng ngân sách, mà bạn scale vì bạn đã tối ưu được doanh số đến từ Non-Paid Traffic (có khách hàng quay lại đủ nhiều, có doanh số từ Email Marketing, Social Media, v.v…) – và bạn sử dụng lợi nhuận từ nguồn này để tái đầu tư vào Paid Traffic, nhằm mang lại nhiều Data hơn cũng như nhiều Non-Paid Traffic hơn.

Trường hợp xấu, ROAS mang lại khi scale của bạn không được như kỳ vọng – thì cũng không sao cả. Lúc này bạn vẫn có lãi (từ Non-Paid Traffic), và bạn có rất nhiều thời gian để tối ưu cả Paid Traffic lẫn Non-Paid Traffic. Và bạn chỉ tiếp tục Scale khi các con số đã về đúng như kỳ vọng.

Nền móng của bạn lúc này rất vững, và việc có 1, 2 ngày Facebook không ổn định cũng không ảnh hưởng gì mấy tới bạn cả.

Tất nhiên nói thì dễ hơn làm, và có nhiều việc bạn cần xử lý để có thể tăng doanh số từ Non-Paid Traffic lên. Nhưng bạn chỉ có thể tập trung làm những việc này, CHỈ KHI bạn vứt Ads qua một bên, giữ nguyên ngân sách cố định theo tháng và tập trung tối ưu Non-Paid Traffic.

Còn nếu cả ngày vẫn lẩn quẩn với Ads, tăng tiền giảm tiền thì chả đi đến đâu cả.

Đó là Growth Circle.

Về cơ bản, khi bạn bước vào Growth Circle, bạn đang đi trên một con đường Grow bền vững, giảm phụ thuộc vào Paid Traffic – trong khi vẫn sử dụng Paid Traffic để phát triển Brand hiệu quả. Chắc là cũng có nhiều người muốn điều này, nhỉ :d

Kết

Đó là 3 giai đoạn phát triển một e-Commerce Brand mà mình đã, đang và vẫn theo đuổi – và cũng là cách mình áp dụng cho dự án #Zero To #Hero. Xây dựng một e-Commerce Brand không hề đơn giản chút nào, nhưng nó sẽ dễ dàng hơn nếu bạn biết được mình đang ở giai đoạn nào, và mục tiêu của giai đoạn đó là gì, cũng như định hướng tiếp theo ở đâu.

Hi vọng là bài này sẽ giúp bạn có một góc nhìn rõ ràng hơn về hành trình xây dựng một e-Commerce Brand 😉 Thấy thích thì like thấy hay thì comment ủng hộ tác giả nhá.

15 thoughts on “#Zero To #Hero – Strategy & November Wrap Up”

  1. Hi anh,
    Anh có thể chia sẻ các bảng report anh đang build bằng gì không ạ. Google sheet, google studio hay build code riêng vậy ạ

    Thanks anh

    Reply
  2. Đỉnh thực sự a ạ. Series này của anh có lẽ sẽ là bước chuyển để giúp cộng đông E-commerce VN phát triển một cách bền vững. Luôn ủng hộ anh 💓

    Reply
  3. Nếu có thể thì anh có thể chia sẽ thông tin về agency sản phầm Magikal Studio được không anh? Còn nếu không thì anh có thể chia sẽ thế mạnh, điểm khác biệt khi mình có thể làm việc với bên agency sản phẩm như này so với các bên fulfillment thông thường trên thị trường?
    Em có tìm hiểu qua bên Yoycol- sản phẩm cũng đa dạng nhưng đa số trên thị trường đều bán hết. Nên em muốn biết bên agency product như Magikal Studio có điểm gì khác biệt.

    Reply

Leave a Comment