Shopify 101 – Apps – Part 2

Hế nhô anh em.

Bài viết về Shopify Apps tuần trước có vẻ được anh em hưởng ứng, nên tuần này mình làm tiếp part 2 :))

Bài viết tuần này sẽ tập trung vào những Apps liên quan đến Upsell/Cross-sell – vốn là một chủ đề rất rộng và cực kỳ cần thiết cho bất kỳ một e-Commerce Store nào.

Khác với những loại apps khác – thường tập trung vào một tính năng cụ thể nào đó và phát triển xoay quanh nó – Upsell/Cross-sell là một thế giới khác hẳn (nếu bạn chưa biết thế nào là Upsell/Cross-sell thì có thể coi lại bài mình viết ở đây).

Nếu bạn đi dạo Shopify để tìm những Apps liên quan đến Upsell/Cross-sell – sẽ có hàng trăm Apps xuất hiện.

Lý do rất đơn giản: Có quá nhiều hình thức Upsell/Cross-sell khác nhau bạn có thể sử dụng, xuất hiện dưới đủ mọi hình thái – ví dụ như:

  • Pop-up: Khi bạn Add To Cart thì có một cái pop-up hiện ra, hỏi bạn có muốn add thêm sản phẩm này sản phẩm nọ vào không chẳng hạn
  • Frequently Bougth Together: Những sản phẩm thường được mua chung với nhau, kiểu của Amazon
  • Related Products: Là một section recommend những sản phẩm liên quan tới sản phẩm khách hàng đang xem cho họ, thường là recommend theo tiêu đề, hoặc sử dụng AI để đánh giá.
  • One-Click Upsell: sau khi khách hàng thanh toán, sẽ có một section hỏi khách là có muốn add sản phẩm này, sản phẩm nọ vào cart không => Nếu click là charge tiền luôn.
  • v.v…

Để chọn được một Upsell App phù hợp với store của bạn đòi hỏi bạn phải hiểu về sản phẩm mà bạn đang bán, hiểu về khách hàng, để từ đó xác định được cách thức Upsell/Cross-sell phù hợp, cũng như sản phẩm mà bạn dự định suggest khách hàng.

Chỉ khi xác định được cách làm, bạn mới có thể đi tìm xem có một Apps nào support cách thức mà bạn muốn hay không.

Ví dụ, nếu bạn đang build một store chỉ bán một dòng sản phẩm (ví dụ là cái chăn chẳng hạn). Lúc này, bạn hầu như không cần một App kiểu Frequently Bought Together – vì rõ ràng rất ít khách có nhu cầu mua 2 – 3 cái chăn một lúc.

Việc cài một App kiểu vậy vào chỉ tốn tiền và làm store load chậm đi, giao diện rối mắt cho khách hàng hơn, từ đó có khả năng làm giảm tỷ lệ chuyển đổi – trong khi không tăng được giá trị đơn hàng.

Ngược lại, nếu bạn build một store với hàng chục nghìn sản phẩm, với cực kỳ nhiều loại sản phẩm khác nhau – lúc này có thể một App kiểu Frequently Bought Together lại hữu ích – vì nó thực sự giúp khách hàng có thể tìm được nhiều sản phẩm phù hợp với nhau một cách dễ dàng hơn.

Đó là lý do, ở section này mình sẽ không recommend một app nào cả, viết ra để bạn biết vậy thôi 🤷‍♂️

.

.

.

.

.

Đùa xíu =))

Nhưng đúng thật là thế giới Upsell/Cross-sell Apps cực kỳ rộng, và khó mà recommend chuẩn cho tất cả các store được. Thế nên, mình sẽ chia nó thành vài category con – bạn có thể xem và lựa chọn những tính năng phù hợp với với store của mình hén.

Nếu bạn chưa đọc Part 1, thì bạn có thể đọc lại ở đây nhen.

Related Products Apps

Một trong những Cross-sell Apps mà mình thấy cực kỳ cần thiết cho anh em làm POD – đó là Related Products Apps – giúp bạn recommend sản phẩm liên quan tới sản phẩm khách hàng đang xem hiện tại một cách tự động.

Thông thường khi khách hàng truy cập store – họ có nhu cầu xem rất nhiều thiết kế khác nhau để lựa chọn ra mẫu mình thích. Đó cũng là lý do mà có những dự án mình chỉ chạy Ads cho khoảng 20% sản phẩm trên store, nhưng trên 90% sản phẩm đều có sales bằng một cách thần kỳ nào đó.

Để làm được vậy, bạn cần có một cơ chế recommend Related Products tốt. Một số Theme mình hay dùng – ví dụ như Turbo của Out of the Sandbox – đều có sẵn tính năng này. Tuy nhiên, dù cùng một chức năng nhưng tính năng mặc định của Theme thường có hiệu quả kém hơn – do cơ chế recommend không được tốt cho lắm.

Nên là mình vẫn nên kiếm một cái App ngoài – trừ khi bạn đang cạn kiệt ngân sách và cần tiết kiệm hết sức có thể.

Trên thị trường có khá nhiều Related Products Apps, cá nhân mình thì hay xài nhất là Recomatic – có cơ chế recommend dựa trên các đặc tính của sản phẩm (đặc biệt là Title) và hiệu quả sales – mình thấy khá phù hợp với POD. Hầu hết các dự án của mình đều sử dụng Recomatic hết.

Nhược điểm?

Nó hơi đắt một tý 😢 Đặc biệt là với một store mới thì cái giá $69/tháng khá là mặn (Shopify Plus thì $299/tháng nhé, mà nếu bạn chạy multi store trên Plus thì email xin cũng được giảm giá đó). Bù lại thì Recomatic là một app recommendation hiếm hoi mà không thu phí dựa trên doanh số – nên với store có doanh số cao thì sử dụng Recomatic lại thành rẻ.

Với chi phí thấp hơn thì cá nhân mình thấy có app Also Bought của CodeBlackBelt dùng cũng tạm ổn – dù cơ chế recommend hơi khác. Nó sẽ kéo hết toàn bộ sales data của bạn về, sau đó cho vào AI phân tích. Khi khách hàng truy cập một sản phẩm – nó sẽ recommend những sản phẩm mà khách hàng thường mua kèm – kiểu khách mua sản phẩm A thì thường sẽ mua sản phẩm B.

Nhược điểm của cơ chế này, đó là với POD – thường khách hàng khi mua nhiều sản phẩm đều là mua cho bản thân và mua kèm làm quà cho những người khác. Nên khi áp dụng cơ chế này, bạn sẽ thấy nhiều sản phẩm nó sẽ recommend…hơi vớ vẩn – vì bản chất là có những khách hàng mua kèm như vậy thật, nhưng số lượng là rất ít.

Ví dụ sản phẩm bán được 100 orders, có 5 orders mua kèm những sản phẩm khác không liên quan – thì nó sẽ hiển thị các sản phẩm được mua kèm đó ở section “Customer Bought This Also Bought”. Cá nhân mình thấy cơ chế này hơi không phù hợp với ngành POD lắm.

Bù lại, ngoài việc recommend theo cơ chế Also Bought, bạn cũng có thể setup để nó recommend theo Collection, theo Product Type, v.v…nên nếu chịu khó bỏ công setup thì hiệu quả cũng tương đối chấp nhận được.

Điểm tuyệt nhất? Nó chỉ có giá $9.99/tháng thôi =))

Nên thôi cũng chả đòi hỏi gì hơn được. Xài tạm cũng oke rùi, giao diện cũng ổn áp lắm, custom lại tý là ngon.

One-Click Upsell Apps

One-Click Upsell là kiểu App giúp bạn có thể Upsell/Cross-sell khách hàng SAU KHI khách hàng thanh toán.

Kiểu khách vừa thanh toán xong, tự nhiên có một giao diện xuất hiện: “Bằng hữu, hãy chờ chút. Ta đang có một deal giảm giá 30% cho sản phẩm này, khá phù hợp với vị bằng hữu đây. Người anh em có muốn add sản phẩm này vào đơn hàng không?”

Nếu ấn “Không”, khách hàng sẽ được chuyển tới Thank You Page như bình thường (hoặc chuyển tới một Offer khác 😂).

Nếu ấn “Có, shut up and take my money”, Paypal/Thẻ của khách hàng sẽ tự động trừ thêm tiền, và sản phẩm khách hàng vừa add sẽ được gộp vào order cũ (hoặc tạo order mới, tùy app).

Khách không phải điền lại địa chỉ, không phải vào lại Paypal, không phải điền lại số thẻ, v.v…Chỉ ấn Yes, vậy là đủ.

Nhờ UX hết sức đơn giản để lấy tiền khách hàng như vậy, nên One-Click Upsell vẫn luôn là một phương pháp Upsell/Cross-sell cực kỳ hiệu quả và được áp dụng rất nhiều trên thế giới – cả trong e-Commerce lẫn các mô hình kinh doanh Digital khác.

Ngày xưa, để làm được tính năng này khá là phức tạp – đa phần các App sẽ phải thay thế Checkout của Shopify bằng một trang Checkout của Apps, ngoài ra cũng cần tích hợp từ phía cổng thanh toán hơi lằng nhằng (đặc biệt với Paypal). Nên hồi đấy cũng ít sự lựa chọn, và trải nghiệm cũng không được tốt cho lắm (giao diện, tính năng…)

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, Shopify đã chính thức hỗ trợ One-Click Upsell – nên có rất nhiều Apps có thể giúp bạn thực hiện One-Click Upsell tương đối dễ dàng, với giao diện khá là clean, kiểu như vầy:

Bạn sẽ thấy giao diện Upsell này khá quen thuộc trên tất cả các Apps, vì đây là giao diện được cung cấp bởi Shopify luôn :)) Không có lựa chọn khác.

Có một số lựa chọn về One-Click Upsell Apps mà bạn có thể tham khảo như:

ReConvert: Cá nhân mình đang xài thằng này – lý do lớn nhất là vì nó Integrated trực tiếp với Recomatic – tức là bạn có thể setup để recommend sản phẩm liên quan tự động – với sản phẩm được lấy trực tiếp từ cơ chế recommendations của Recomatic.

Một cái hay của ReConvert là nó có thêm mấy tính năng để bạn edit Thank You Page – kiểu Upsell/Cross-sell trực tiếp ở Thank You Page luôn (sau khi khách hàng pass qua One-Click Upsell, hoặc khi khách hàng quay lại trang Thank You Page để kiểm tra tình trạng Order).

AfterSell: Thằng này gần như clone y chang ReConvert =)) Cũng edit được Thank You Page, cũng One Click Upsell, chỉ khác là không integrated được với Recomatic nếu mình không nhầm.

Bù lại, nó có thêm một tính năng cũng vui vui, đó là A/B Testing – cái này ReConvert không có. Giúp bạn test các Offer được dễ dàng hơn và Data-driven hơn.

Ngoài ra nó cũng có thêm tính năng Multi Product Upsell – cho phép bạn recommend nhiều sản phẩm trong One-Click Upsell Page. Khá phù hợp để recommend mấy cái rẻ tiền vui vui, liên quan đến audience với giá rẻ – kiểu siêu thị hay cross-sell các loại kẹo ở quầy tính tiền í :))

Điểm chung của 2 thằng này là đều có thể Segment và Trigger khá sâu – tức là bạn có thể Filter xem những khách hàng nào, với giá trị đơn hàng như nào/mua sản phẩm gì, v.v…thì sẽ nhận được Upsell/Cross-sell gì. Tính năng này khá hay – giúp bạn custom rất sâu vào việc Upsell/Cross-sell nếu có nhu cầu – và thực ra chính việc custom sâu như này mới giúp bạn tạo ra lợi nhuận cao.

Về giá rổ thì mình ưu tiên Aftersell hơn – cá nhân mình cũng đang tính move một số dự án của mình qua Aftersell – lý do chính là vì ReConvert charge giá bựa quá 🙁

Với mức 2,000 Orders/tháng – ReConvert đang charge $89.99 + 0.75% Upsell Revenue – tức là nếu tỷ lệ convert One-Click Upsell của bạn là 5%, với AOV là $50 chẳng hạn – thì chi phí thực tế cho ReConvert của bạn là $89.99 + $37.5 = $127.

Với AfterSell thì họ không thu phí theo giá trị Order. Với 2,000 Orders, chi phí chỉ là $99.99/tháng thôi – rẻ hơn kha khá so với ReConvert – trong khi nhiều tính năng hơn. Với số lượng Order nhiều hơn thì chi phí chênh lệch lại càng lớn. Đặc biệt với store doanh số lớn, là max price của AfterSell là $800/tháng thôi, còn ReConvert là Unlimited :))

Ngoài 2 thằng này – vốn tập trung rất sâu vào After Purchase Funnel ra thì còn rất nhiều App khác cũng hỗ trợ tính năng One-Click Upsell, tuy nhiên sẽ không sâu như 2 thằng này. Bạn có thể search thử trên Shopify cũng rất nhiều 😀

Lưu Ý: Anyway, có một lưu ý nhỏ cho những sản phẩm được recommend ở One-Click Upsell, đó là hiện tại các App về One-Click Upsell - chưa có App nào tích hợp được Customily/Teeinblue vào cả. Nên những sản phẩm được sử dụng cho mục đích này bắt buộc phải là những sản phẩm dạng Non-Customized nhé. Cho sản phẩm Personalized vào là lỗi vỡ mồm đó nhen :))

Discount Apps

Một trong những cách làm phổ thông nhất để “gạ” khách hàng mua thêm, đó là giảm giá nếu khách mua nhiều, có thể là tính theo Item (mua 2 items giảm 10%), hoặc tính theo giá trị đơn hàng chẳng hạn (Order >$100 giảm 10%)

Để thực hiện việc này, bạn có thể sử dụng một tính năng miễn phí của Shopify – đó là Automatic Discount. Cách làm rất đơn giản – bạn chỉ cần vào Discount, tạo một Discount bất kỳ, sau đó chọn Method là “Automatic discount” là được.

Nếu nhu cầu của bạn chỉ đơn giản là vậy – thì Automatic Discount của Shopify là đủ để đáp ứng.

Tuy nhiên, nếu bạn muốn customize các Offer này theo nhiều cách khác nhau – nhằm đa dạng chương trình để khách hàng đỡ nhàm chẳng hạn – thì bạn sẽ cần một App dành cho việc này.

Ngoài ra, việc dùng App có thể giúp bạn hiển thị Offer nhìn ngon lành hơn, ví dụ như vầy:

Tuy nhiên, nói thật là hiện tại mình không dùng mấy kiểu Volume Discount như này, cũng như mình nghĩ việc Upsell/Cross-sell bằng cách này khá là kém hiệu quả về mặt lợi nhuận.

Thứ nhất, nếu store của bạn chỉ tập trung vào một vài dòng sản phẩm chính – và khả năng khách hàng mua nhiều sản phẩm là thấp – thì việc sử dụng Volume Discount như vầy ít khi làm tăng được AOV của bạn – vì đơn giản là khi khách không có nhu cầu mua nhiều sản phẩm, thì giảm 10 – 15% cũng khó mà khiến họ thay đổi ý định được (50% thì oke).

Tuy nhiên, với những khách hàng có nhu cầu mua nhiều, họ vẫn sẽ mua nhiều sản phẩm bất kể có được giảm giá hay không – thì bạn đang mặc định giảm giá cho những đơn hàng này – đồng nghĩa với sụt giảm về lợi nhuận.

Vô hình chung, bạn đang giữ nguyên (hoặc giảm AOV), đồng thời giảm Gross Profit Margin – nói chung là lỗ kép.

Thứ hai, những giao diện kiểu như kia chỉ phù hợp nếu bạn bán sản phẩm vật lý, hoặc ít nhất là sản phẩm không có tính năng Personalized. Nếu bạn bán Personalized, thì những giao diện kiểu kia hầu như không có ý nghĩa gì, vì hầu như chả ai add 2 sản phẩm giống nhau, có tên giống nhau vào Cart cả.

Thậm chí, nếu khách ấn nhầm (vì tưởng đây là nút Add To Cart bình thường), thì họ cũng mất công chỉnh sửa => Khó khăn để order hơn => Giảm tỷ lệ chuyển đổi.

Thứ ba, nếu bạn bán sản phẩm vật lý, đã stock sẵn – việc khách hàng mua nhiều items trong một order sẽ giúp bạn tối ưu được chi phí ship – từ đó bạn có thể giảm giá cho khách hàng mà không sợ sụt giảm về lợi nhuận/Gross Profit Margin.

Tuy nhiên, với POD, hầu như anh em không được giảm giá khi khách hàng mua nhiều items (trừ một số dòng sản phẩm đặc biệt kiểu Ornament). Vì vậy, việc gạ khách hàng mua thêm – đổi lấy việc giảm giá sản phẩm là hoàn toàn vô nghĩa – và đa phần là mang lại tác dụng ngược.

Đấy là lý do mình không sử dụng mấy Discount App kiểu vậy. Nhưng nếu bạn quan tâm, thì đây là con App mình vừa lấy ra làm ví dụ. Chỉ $13/tháng, rẻ, còn ngon hay không thì chịu :))

Variant/Option Upsell

Đây là thể loại Upsell mình khá thích :))

Nếu bạn đã từng đi mua một chiếc Porsche, bạn sẽ thấy có tới hàng trăm Option để bạn lựa chọn khi mua một chiếc xe. Bạn có thể chọn màu sơn, màu nội thất, loại da cho ghế, loại da cho táp lô, loại da trên trần, có dập logo vào ghế hay không, có dập vào kệ để tay hay không, có muốn thêm option sưởi/làm mát *ít hay không, có thích thêm carbon vào vô lăng hay không, v.v…

Tất nhiên, thêm option là thêm tiền :))

Việc quyết định mua một chiếc Porsche với giá tầm 4 tỷ, để sau khi rời khỏi showroom, số tiền bạn chi là 7 tỷ là điều hoàn toàn bình thường.

Nếu bạn chưa để ý, bạn có thể áp dụng chính xác cách làm này với e-Commerce, và hiệu quả nó mang lại là perfect luôn.

Cách làm rất đơn giản: Bạn cần có một sản phẩm lõi đủ dùng, chất lượng đủ tốt để khách hàng sử dụng. Tuy nhiên, bạn cũng nên có thêm càng nhiều option càng tốt để khách hàng lựa chọn, nếu họ muốn upgrade sản phẩm lên.

Bằng cách này, bạn có thể vừa convert được những khách hàng ít tiền (tăng CR), vừa có thể tối ưu hóa giá trị đơn hàng với những khách hàng nhiều tiền (tăng AOV). Tất nhiên, hệ quả là tăng lợi nhuận 😀

Bài này sẽ không bàn chi tiết vào cách bạn xây dựng một sản phẩm như thế – chắc là để bài sau. Nhưng sau khi bạn có một sản phẩm như vậy rồi, bạn sẽ cần một con Apps để giúp bạn tối ưu trải nghiệm người dùng (UX) khi họ muốn upgrade sản phẩm.

Có khá nhiều Apps loại này trên thị trường – cá nhân mình thấy một con App tương đối nhiều store dùng, đó là Variant Option Product Options.

Sử dụng App này, bạn có thể setup sản phẩm của bạn thành kiểu như dưới đây:

Tất nhiên, tick là mất tiền :))

Ngoài ra, Teeinblue cũng mới phát triển một App mới kiểu như này, đó là Teeinblue Product Options. Cá nhân mình thì chưa dùng, nhưng thấy có vẻ cũng ổn áp, với ủng hộ Đông Lào nên cứ recommend :))

Tuy nhiên, cái gì cũng có 2 mặt. Một trong những nhược điểm của mấy App này mà mình không thích, đó là hầu hết các App dạng Product Option như trên đều sử dụng tính năng Draft Order để charge thêm tiền của khách.

Khi sử dụng tính năng Draft Order, khách hàng sẽ KHÔNG THỂ sử dụng Discount Code trong Checkout được nữa.

Discount Box biến mất tiêu luôn.

Đó là lý do nếu bạn sử dụng những App này, bạn sẽ cần cài thêm một App khác với tính năng cho phép khách hàng sử dụng Discount Code trong Cart Page:

Kiểu như vầy

Mình không thích UX như vậy lắm, quan điểm cá nhân thôi. Chứ thực ra anh em vẫn xài bình thường ấy mà :))

Một điểm khác mà mình không thích của mấy App này, đó là cơ chế của App dạng này thường là tạo ra thêm một sản phẩm với mức giá tương ứng với mức giá cộng thêm, cùng các Attribute (đặc tính) mà khách hàng lựa chọn.

Điều này sẽ khiến bạn phải cân nhắc kỹ, để xem với cơ chế như vậy thì nó có phù hợp với quy trình Fulfillment mà bạn đang sử dụng hay không. Chứ Customize chán chê xong rồi không Fulfill được/Fulfill sai cho khách thì chết :))

Cá nhân mình thì thay vì sử dụng mấy Apps dạng Product Option trên, mình sử dụng luôn tính năng Charge Extra Price cho mỗi Custom Option của Customily.

Cơ chế của Customily thì đơn giản hơn – bạn sẽ cần tạo sẵn một sản phẩm tương ứng với Option mà khách lựa chọn. Nếu thỏa mãn điều kiện (ví dụ điền tên vào Text Box), khi khách hàng Add To Cart, Customily sẽ tự động Add thêm sản phẩm kia vào Cart.

Đơn giản vậy thôi, không phải là Draft Order nên khách vẫn điền Discount Code trong Checkout bình thường. Các Option mà khách lựa chọn (ví dụ Personalized Name) thì vẫn gắn vào sản phẩm chính, và Design vẫn được tự động tạo ra bằng Customily, nên về cơ bản là mình không cần phải thay đổi gì ở Backend bên mình cả.

Mình đang gạ các sếp bên Teeinblue update tính năng này, hi vọng là sẽ có 😢

Kết

Vẫn còn khá nhiều loại Apps mà mình vẫn chưa đưa vào list, nên chắc là sẽ còn có tiếp phần 3. Hi vọng là bạn sẽ thích Series này, đặc biệt là anh em newbie. Không liên quan nhưng dạo này mình đang tìm Insight của newbie để release content cho phù hợp, anh em có quan tâm đến vấn đề gì, thắc mắc gì thì cứ comment/email nhé :))

Hẹn gặp lại bạn vào tuần sau!

4 thoughts on “Shopify 101 – Apps – Part 2”

Leave a Comment